Từ số liệu các trạm gửi về, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ phân tích và công khai chất lượng không khí của thủ đô.
Sáng 16/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary đã cùng dự lễ khánh thành trạm quan trắc chất lượng không khí thứ 11 của thành phố, nằm trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp.
Các đại biểu trong lễ khánh thành trạm quan trắc không khí tại đại sứ quán Pháp sáng 16/7. Ảnh: Giang Huy. |
Trạm quan trắc không khí này sẽ vận hành tự động 24/24 giờ. Các thông số như hướng gió, tốc độ gió, lượng mưa, bụi, ozon, chất lượng không khí được cập nhật liên tục. Thiết bị của trạm kết nối với mạng lưới quan trắc chung của TP Hà Nội, các chỉ số được công bố trên cổng thông tin của UBND TP Hà Nội.
Bà Valérie Pécresse, Chủ tịch vùng Ile-de-France cho biết, thiết bị quan trắc của trạm tương tự như thiết bị đo lường không khí được lắp đặt ở thủ đô Paris, Pháp.
Cũng tại lễ khánh thành, các đơn vị liên quan đã trưng bày công cụ mô phỏng tương tác thực trạng ô nhiễm giao thông đô thị. Thiết bị dự kiến được lắp đặt tại UBND quận Hoàn Kiếm nhằm đưa ra những kịch bản và giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm giao thông đô thị tại khu vực này.
Từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đánh giá chất lượng không khí dựa vào chỉ số của 10 trạm quan trắc, trong đó hai trạm cố định đặt tại phố Trung Yên 3 và UBND phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm), quan trắc 6 thông số ô nhiễm là PM10, PM2.5, NO2/NO/NOx, CO, SO2 và O3.
Tám trạm còn lại lắp đặt tại khu vực Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Thành Công, Tân Mai, Tây Mỗ quan trắc 4 thông số ô nhiễm PM10, PM2.5, CO, NO2 và thông số khí tượng.
Dự kiến đến cuối năm 2020, Hà Nội sẽ có 43 trạm quan trắc không khí tự động. Trong đó, 20 trạm quan trắc cố định tự động liên tục và một xe quan trắc tự động lưu động, 12 trạm quan trắc cảm biến, một thiết bị quan trắc phóng xạ và 3 thiết bị quan trắc tiếng ồn.
Theo Vnexpress.